Vay ADB hơn 700 triệu USD

Đầu năm nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND Thành phố về việc đầu tư 2 dự án gồm: Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS 1) và Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS 2).

Đối với Dự án CRUS 1, TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống cống dẫn nước thải về Nhà máy xử lý nước thải khu vực Tham Lương - Bến Cát đã hoàn thành giai đoạn I với công suất xử lý 131.000 m3/ngày đêm; giai đoạn II với công suất xử lý đạt 250.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, xây dựng cống ngăn triều Vàm Thuật, cống ngăn triều Nước Lên; hệ thống cống bao thu gom nước thải chính và nhánh ở quận Gò Vấp, một phần quận 12.

Dự án CRUS 1 có tổng vốn đầu tư 8.311 tỷ đồng (tương đương 352 triệu USD), trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 227 triệu USD, vốn đối ứng của TP.HCM là 119 triệu USD (tương đương 2.816 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ giảm ngập nước và cải thiện môi trường cho 7 quận, huyện.

Còn Dự án CRUS 2 có tổng mức đầu tư 8.264 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD). Tại dự án này, vốn vay của ADB là 236 triệu USD, tương đương 5.588 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM 2.675 tỷ đồng, tương đương 113 triệu USD. Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống nước thải và hệ thống thoát nước trên địa bàn 5 quận gồm: quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.

Cả hai dự án trên đều dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2029.

Đủ vốn để khởi công dự án năm 2025

Mặc dù trong tờ trình nêu trên, nguồn vốn đầu tư được nêu rõ từ vốn vay và vốn đối ứng từ ngân sách, nhưng việc bố trí vốn cho từng giai đoạn chưa được làm rõ. Khi thẩm định Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP.HCM làm rõ việc cân đối vốn trung hạn cho Dự án trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Ngày 31/5/2024, ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM ký Văn bản số 6839/SKHĐT-PPP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ thêm việc cân đối vốn đầu tư cho từng giai đoạn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở rà soát sơ bộ các dự án đã triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025, nhưng không sử dụng hết số vốn đã được bố trí do giảm giá thông qua đấu thầu, giảm chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng, không sử dụng chi phí dự phòng…, với số vốn khoảng 16.056 tỷ đồng, HĐND TP.HCM đã thông qua kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên từ năm 2024 đến 2025 sẽ bố trí cho Dự án CRUS 1 là 457,6 tỷ đồng và Dự án CRUS 2 là 370,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (vốn đầu tư 2.392 tỷ đồng) đang được Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ngưng thực hiện theo ý kiến của nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB) vì Hiệp định tín dụng đã ký kết sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2024. Vì vậy, số vốn từ dự án này có thể điều chuyển cân đối cho Dự án CRUS 2 là 836,3 tỷ đồng, Dự án CRUS 1 là 443,3 tỷ đồng.

Tương tự, giai đoạn 2026 - 2030, đến thời điểm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn (nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn đối ứng) cho 2 dự án đều đảm bảo theo quy định tại khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công.

Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm hỗ trợ, sớm xem xét có ý kiến thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Ngày 13/6/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có Văn bản số 7441/SKHĐT-PPP gửi UBND TP.HCM đề xuất Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án CRUS 1 và Dự án CRUS 2 vì hồ sơ của Dự án đã tiếp thu, làm rõ đầy đủ các nội dung được các cơ quan chuyên ngành yêu cầu.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025 mới được TP.HCM ban hành, thì CRUS 1 và CRUS 2 là các dự án nằm trong danh mục đẩy nhanh tiến độ để khởi công trong năm 2025.